MAI HOA PHẤN - PHƯƠNG THUỐC KHỬ MÙI CƠ THỂ TỪ HOÀNG CUNG TRUNG HOA
Giảng viên Khoa YHCT - ĐH Y Dược TP. HCM
Lịch sử loài người ghi nhận, dân tộc cổ xưa nhất biết sử sụng mỹ phẩm làm đẹp là người Ai Cập. Hơn 2 triệu năm trước họ đã biết dùng các loại tinh dầu thơm, các loại mỡ đặc để thoa làm cho da bóng mượt, mềm mại. Dùng đất son để thoa lên mặt và dùng khói đen của đèn để nhuộm đen chân mày, lông mi.
Còn người Ả Rập, từ 4000 năm nay đã biết dùng mùi thơm từ tinh dầu hoa hồng để làm nước hoa, son môi và mặt nạ mặt.
Người Nhật Bản thì thích dùng bột màu (hỗn hợp được làm từ rượu sakê, trà xanh, bột sắt và cánh côn trùng), điển hình là nghệ thuật trang điểm Geisha – một loại hình nghệ thuật trang điểm có giá trị cao.
Nghệ thuật trang điểm Geisha
Trong lịch sử Trung Hoa, có bốn người con gái được mệnh danh là tứ đại mỹ nhân (Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Ngọc Hoàn) nổi tiếng với nhan sắc tuyệt trần, trang điểm lộng lẫy, thân thể thơm nức mùi hương, được xem là những người đẹp hiếm hoi như “báu vật” mà nhân gian đã dùng những mỹ từ như “trầm ngư, lạc nhạn, bế nguyệt, tu hoa…” để nói lên sắc đẹp của các nàng đến nổi chim đang bay vì mãi ngắm nhìn sắc đẹp mà rơi xuống hay trăng sáng vì e thẹn trước nhan sắc mà trốn vào sau lưng mây…
Qua đó mới thấy, con người đã biết làm đẹp và thưởng thức cái đẹp từ rất sớm. Nhu cầu làm đẹp càng cao thì tiêu chuẩn càng khắt khe. Một loài hoa có màu sắc sặc sỡ nhưng không có hương thơm thì không được xem là hoa quý, hay ngược lại hoa có hương thơm ngào ngạt nhưng không có màu sắc đẹp thì cũng chỉ là loại thường mà thôi. Đối với một người con gái, ngoài nét đẹp tâm hồn vốn dĩ phải có thì một người được xem là đẹp phải hội tụ đủ sắc và hương. Thế nên, Dương Quý Phi dù có vẻ đẹp “tu hoa” (hoa cũng phải héo rũ vì xấu hỗ trước vẻ đẹp của nàng) nhưng có một khiếm khuyết là cơ thể có mùi rất khó chịu. Tương truyền, để khắc phục nhược điểm của mình, hằng ngày cô rất thích tắm gội, đặc biệt là tắm suối nước nóng ở Cung Ôn Tuyền núi Ly Sơn, hái những bông hoa thơm nhất, hòa vào nước tắm. Và thêm một “bảo bối” bất ly thân nữa đó là túi thơm, chứa những loại dược liệu quý hiếm tỏa hương thơm cả ngày, luôn được cô mang theo bên mình.
Dương Quý Phi
Vậy mùi cơ thể từ đâu ra? Lại khiến cho biết bao phận hồng nhan ưu sầu!
Theo một số tài liệu cổ, cơ thể có mùi khó chịu xuất phát từ nách, bẹn… có mùi giống như mùi hôi của con Hồ ly nên còn gọi là Hồ xú. Đó là một bệnh ngoài da do mồ hôi tại nách tiết ra có mùi hôi nồng nặc đặc biệt, thường xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng gặp ở nữ nhiều hơn. Chứng bệnh này phần nhiều do cơ địa bẩm sinh, số ít do thấp nhiệt xông bốc mà phát ra. Bệnh thường phát vào lớp tuổi thanh xuân, nhưng vào độ lão niên thì bệnh lại giảm dần hoặc mất hẳn. Cách chữa chủ yếu là chữa ngoài da, uống thuốc chữa bên trong là phụ.
Trong nhiều tác phẩm kinh điển của Đông y cũng đã nói đến như: Sách “Nội Kinh” cho rằng chứng hôi nách thuộc bệnh của Can kinh, Can có tà, khí tà lưu ở hai nách mà thành. Hay sách “Cổ kim y thống” của Từ Xuân Phủ cũng nói: “Can khí uất kết bên trong, nhưng lại ra ở nách làm có mùi hôi như hồ (mùi cáo chồn)”. Lại nói: “Dưới nách có nhiều khiếu (lỗ), Can khí thịnh thì các lỗ mở rộng, tà khí từ đó tiết ra ngoài khiến người khác khó đến gần”.
Trong trị liệu chứng này nhiều tài liệu cũng có nói: “Chứng bệnh này nên dùng Khô phàn (phèn chua), Xạ hương thoa ngoài”, cũng có thể thuyên giảm trong một thời gian, chẳng bao lâu thì vẫn có mùi hôi như trước. Do vậy vấn đề đặt ra là phải chữa tận gốc. Nghĩa là phải sơ đạo tà khí Can tạng thì mùi hôi tự nhiên biến mất, như sử dụng “Tả can thang” hay “Long cốt hoàn”.
Sách “Thiên kim phương” cũng nói chứng hôi nách là loại bẩm sinh, khó chữa, còn chứng hôi nách do lây nhiễm thì dễ chữa hơn, nhưng phải dùng Phàn thạch tán (bột phèn sống) đắp ngoài da vùng nách lâu dài, kết hợp uống Ngũ hương hoàn mới có thể chữa khỏi. Nếu đắp thuốc ngắn hạn chỉ có thể thuyên giảm tạm thời. Những người mắc chứng hôi nách nên kiêng ăn thứ cay, nóng và kích thích, còn không chịu kiêng thì rất có thể phải sống chung với bệnh suốt đời.
Như vậy hôi nách không gây chết người, nhưng lại làm ảnh hưởng đến giao tiếp bạn bè nam nữ hay quan hệ công việc hàng ngày, đối ngoại… Bởi thế việc trị liệu đặt ra là cần thiết cho những ai mắc phải. Để có thể tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu cụ thể một trong những bí phương của hoàng cung Trung Hoa mà xưa kia chỉ lưu giữ sử dụng trong nội cung, chăm sóc sắc đẹp cho vua chúa, cung tần mỹ nữ.
Phương thuốc khử mùi cơ thể Mai hoa phấn của Đào Hoằng Cảnh trích trong “Đoạn Cốc Bí Phương”. Thành phần gồm có: Mai hoa băng phiến, Thanh mộc hương, Thiên trạch hương, Hoắc hương, Khô phàn, Hoạt thạch đều 30g.
Cách chế: Nghiền nhỏ mịn các dược liệu trên cất trong lọ.
Cách dùng: Thoa đều bột thuốc lên vùng nách, kẽ chân…những nơi dễ sinh mùi nhất. Thoa mỗi ngày 2 lần, sau khi tắm sạch. Sử dụng liên tục 15 ngày làm một liệu trình. Sau từ 2 đến 3 liệu trình là khỏi hẳn, chưa thấy tái phát.
Đây là phương thuốc trải qua nhiều kinh nghiệm chữa trị mùi cơ thể của Đào Hoằng Cảnh, một y gia nổi tiếng thời Nam Bắc triều (420 – 589) ở Trung Quốc.
Phân tích các vị thuốc ta thấy:
- Mai hoa băng phiến có thành phần chủ yếu là Borneol. Theo sách “Tân tu bản thảo” có vị cay đắng tính hơi hàn, có tác dụng khai khiếu tịch uế. Nghiên cứu dược lý cho thấy Băng phiến có tác dụng ức chế đối với các loại tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, song cầu phế viêm, trực khuẩn đại tràng và một số nấm gây bệnh ngoài da.
- Thanh mộc hương (mật hương) có thành phần chủ yếu là tinh dầu, chất nhựa Saussurin và Inulin, có mùi hương thơm như mật, cũng vì thế mà có tên này. Xưa kia các đạo gia thường dùng vị này làm thuốc tắm gội khiến người đến già râu tóc vẫn đen mượt. Theo “Bản thảo cương mục” vị thuốc này cay thơm, có tác dụng hành khí nên chữa được nách hôi ẩm thấp. Còn trên thực nghiệm tinh dầu Mộc hương với tỉ lệ 1:3.000, có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng.
- Thiên trạch hương có thành phần chủ yếu là nhựa và tinh dầu. Theo sách “Bản thảo hội ngôn” Thiên trạch hương có vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng thông khí hóa trệ, tiêu độc bài nùng. Nghiên cứu năm 1998 của Đại học Athena phát hiện ra rằng tinh dầu Thiên trạch hương có các thuộc tính kháng khuẩn và nấm.
- Hoắc hương có thành phần chủ yếu là tinh dầu. Theo sách “Biệt lục” có vị cay tính ôn, có tác dụng phương hương hoá thấp nên khử được ác khí. Dược lý hiện đại nghiên cứu thấy Hoắc hương có khả năng kháng khuẩn phổ rộng.
- Khô phàn có thành phần chủ yếu là Potassium aluminum kiềm tính. Theo sách “Bản kinh” có vị chua hàn, có tác dụng giải độc sát trùng, táo thấp giảm ngứa. Trong nghiên cứu invitro cho thấy Khô phàn có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn Gram âm và Gram dương.
- Hoạt thạch có thành phần chủ yếu là Magie silicat. Theo sách “Bản kinh” có vị ngọt tính hàn, dùng ngoài có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, chữa các chứng chàm lở, rôm, sảy. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại: Bột Hoạt thạch hút được liều lượng lớn chất độc và các chất hóa học kích thích, bảo vệ được niêm mạc và da.
Thiên Trạch Hương
Các vị hợp thành của phương thuốc trên gồm các loại hương dược phối hợp với các vị khai khiếu táo thấp tẩy uế khí, vừa làm giảm tiết mồ hôi, kháng khuẩn kháng nấm một cách tự nhiên vừa bảo vệ được da và các tuyến tiết nên công dụng khử mùi hôi càng hiệu quả. Cho nên thường xuyên sử dụng phương thuốc này sẽ làm cho chứng hôi nách khỏi vĩnh viễn.
Sản phẩm Mai Hoa Phấn